Xác định vốn điều lệ của công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp và chế tài trong trường hợp cổ đông vi phạm cam kết đăng ký mua cổ phần
407 lượt xem
Công ty cổ phần Tư vấn
Đầu tư Quốc tế và Dịch vụ Thương mại USC (Công ty USC)[a] được thành lập ngày
17/01/2020. Công ty có trụ sở chính đặt tại số 10, ngõ 234 đường thôn Lai Xá,
xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội. Các cổ đông sáng lập của Công
ty USC bao gồm: ông Trần Gia Phong (cũng là người đại diện theo pháp luật), ông
Nguyễn Hoàn Sơn và Bà Kim Thị Phương. Tổng số cổ phần (CP) do 03 cổ đông sáng
lập đăng ký mua tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp tương ứng với số vốn điều lệ
là 144.000 tỷ đồng. Nếu tổng số CP đăng ký mua được các cổ đông thanh toán đầy
đủ thì Công ty USC được xem là một trong những công ty có số vốn điều lệ cao
nhất Việt Nam.
Tuy nhiên, sau khi được
dư luận xã hội và truyền thông chú ý bởi số vốn điều lệ “khủng” thì bà Phương
đã thông tin rằng số vốn đăng ký 144.000 tỷ là do “mấy ông kia say rượu, đăng
ký nhầm”, cho nên sau đó đã hủy việc thành lập công ty.[b]
Trên thực tế, các cổ
đông của Công ty USC sẽ không thể thanh toán số CP đã đăng ký mua khi đăng ký doanh
nghiệp.
Các cổ đông sáng lập của
Công ty USC có được tự do cam kết đăng ký mua CP được quyền chào bán tại thời
điểm đăng ký doanh nghiệp hay không?
Các cổ đông của Công ty
USC có vi phạm quy định của pháp luật doanh nghiệp hay không?
[a]
Xem Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh
nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CÔNG TY CP TƯ VẤN ĐẦU TƯ QUỐC TẾ VÀ DỊCH VỤ
THƯƠNG MẠI USC,
https://dichvuthongtin.dkkd.gov.vn/inf/Forms/Searches/EnterpriseInfo.aspx?h=c776,
truy cập ngày 04/6/2020.
[b] Minh Sơn - Quỳnh Trang (2020), Cổ đông “siêu
doanh nghiệp”: Vốn 144.000 tỷ là đăng ký nhầm, Báo điện tử VnExpress,
https://vnexpress.net/co-dong-sieu-doanh-nghiep-von-144-000-ty-la-dang-ky-nham-4061380.html,
truy cập ngày 04/4/2020.
Ban biên tập
24-07-2020
Trên cơ sở quyền tự do kinh doanh, các quy định về góp vốn của Luật Doanh nghiệp năm 2014 rất thông thoáng, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tự do quyết định góp vốn của mình. Chính vì vậy, vốn điều lệ của công ty CP được xác định theo hai giai đoạn:[1]
Giai đoạn đăng ký doanh nghiệp: Vốn điều lệ của công ty là tổng giá trị mệnh giá CP các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty. Vào giai đoạn đăng ký doanh nghiệp, để tạo điều kiện cho việc góp vốn của nhà đầu tư, thì Luật Doanh nghiệp năm 2014 cho phép nhà đầu tư được “đăng ký mua”, mà chưa phải thanh toán ngay.
Theo khoản 1 Điều 112 của Luật Doanh nghiệp năm 2014, các cổ đông phải thanh toán đủ số CP đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua CP quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Trong giai đoạn này, cổ đông phải chịu trách nhiệm tương ứng với tổng giá trị mệnh giá CP đã đăng ký mua đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh.[2]
Giai đoạn sau đăng ký doanh nghiệp: Vốn điều lệ của công ty CP là tổng giá trị mệnh giá CP đã bán các loại.[3] Tức là, sau đăng ký doanh nghiệp, vốn điều lệ được xác định dựa trên số CP đã được cổ đông thanh toán.
Như vậy, tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp, vốn điều lệ của công ty CP do công ty và các cổ đông tự thỏa thuận để xác định, pháp luật doanh nghiệp không can thiệp.[4] Đối với từng cổ đông, họ có quyền đăng ký mua số lượng CP nhất định trên cơ sở nhu cầu và năng lực góp vốn của mình.
Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định rõ ràng việc “kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị” là hành vi bị nghiêm cấm.[5] Bên cạnh đó, người thành lập doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, trung thực và chính xác của các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.[6] Ý kiến của bà Phương rằng số vốn đăng ký 144.000 tỷ là do “mấy ông kia say rượu, đăng ký nhầm”, cũng như thực tế các ông bà này không thể góp vốn như cam kết đã cho thấy các cổ đông sáng lập của Công ty USC có hành vi kê khống vốn điều lệ, kê khai không trung thực và chính xác của các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
Theo Điều 24 của Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 01/06/2016 của Chính phủ Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, hành chính vi phạm quy định về kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính như sau: (i) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; (ii) Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc đăng ký thay đổi và thông báo lại các thông tin doanh nghiệp đã kê khai không trung thực, không chính xác.
Nếu sau thời hạn thanh toán CP đăng ký mua, các cổ đông của Công ty USC chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán được một phần số CP đã đăng ký mua, thì thực hiện theo quy định sau đây:
(i) Cổ đông chưa thanh toán số CP đã đăng ký mua sẽ đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua CP đó cho người khác.
(ii) Cổ đông chỉ thanh toán một phần số CP đã đăng ký mua sẽ có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số CP đã thanh toán; không được chuyển nhượng quyền mua số CP chưa thanh toán cho người khác.
(iii) Số CP chưa thanh toán được coi là CP chưa bán và Hội đồng quản trị được quyền bán.
(iv) Công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị mệnh giá số CP đã được thanh toán đủ và thay đổi cổ đông sáng lập trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số CP đã đăng ký mua.
Nếu Công ty USC không đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các cổ đông thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, công ty có thể bị áp dụng hình thức phạt tiền là từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp.[7]
Nhìn chung, chế tài xử phạt vi phạm hành chính có lẽ không quá khắt khe đối với công ty và cổ đông, bởi mức phạt tiền không quá lớn và biện pháp khắc phục hậu quả cũng chỉ buộc tuân thủ đúng quy định pháp luật. Đối với bản thân các cổ đông của Công ty USC, ở giai đoạn đăng ký doanh nghiệp, cổ đông phải chịu trách nhiệm tương ứng với tổng giá trị mệnh giá CP đã đăng ký mua đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh.[8] Nếu sau khi thành lập, Công ty USC phát sinh các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính với bên thứ ba thì các cổ đông sáng lập công ty phải chịu trách nhiệm tương ứng với tổng giá trị mệnh giá CP đã đăng ký mua tương ứng với 144.000 tỷ đồng. Đây là một rủi ro mà các nhà đầu tư cần phải lưu tâm, tránh tình trạng cam kết góp vốn mang tính tùy tiện và cảm tính.
[4] Cần lưu ý, đối với một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện với điều kiện là yêu cầu về vốn pháp định thì bắt buộc công ty phải đáp ứng số vốn pháp định tối thiểu theo quy định của pháp luật. Đương nhiên, khi số vốn pháp định được góp đủ thì nó cũng chính là vốn điều lệ của công ty đó.
[6] Khoản 1 Điều 4 của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/09/2015 của Chính phủ Về việc đăng ký doanh nghiệp (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 108/2018/NĐ-CP ngày 23/08/2018 của Chính phủ).
[7] Khoản 3 Điều 28 của Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 01/06/2016 của Chính phủ Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.